Nhiều người điều khiển xe tự ý lắp thêm đèn LED (đèn trợ sáng) cho xe máy và bị cơ quan chức năng xử phạt mà không biết bản thân đang làm trái luật. Cụ thể hành vi lắp đèn LED xe máy có bị xử phạt không và phạt như thế nào? Bài viết này sẽ giải thích chi tiết giúp bạn!
Lắp đèn LED xe máy có bị phạt không?
Cho đến nay, chưa có điều luật nào công bố đích xác việc lắp đèn trợ sáng xe máy (đèn LED) là vi phạm pháp luật và phải bị xử phạt. Tuy nhiên, có thể kết luận rằng tự ý lắp đèn LED cho xe máy là hành vi vi phạm pháp luật dựa theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Cụ thể, tại Khoản 5, Điều 30, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt về việc xử phạt chủ phương tiện (cá nhân hoặc tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, kể cả xe máy điện) vi phạm quy định đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy;
- Tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe;
- Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe;
- Khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại biển số, Giấy đăng ký xe;
- Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng).
Lắp đèn LED cho xe máy là hành vi thay đổi đặc tính xe, coi như vi phạm pháp luật
Như vậy, hành vi tự ý lắp đèn LED xe máy được coi là tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe. Bởi rõ ràng chủ phương tiện đã tháo bỏ đèn LED cũ, hoặc giữ nguyên đèn cũ (đèn nguyên bản của nhà sản xuất) rồi lắp thêm đèn trợ sáng xe máy vào, là việc thay đổi kết cấu và đặc tính của xe. Nếu cơ quan chức năng phát hiện ra đặc tính xe đã thay đổi, chắc chắn sẽ xử phạt chủ phương tiện.
Lắp thêm đèn pha vào xe máy bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo Nghị định 100 nêu trên, việc tự ý lắp đèn LED xe máy, thêm chi tiết bóng đèn cho xe, đổi bóng đèn nguyên bản thành đèn màu khác (được coi là thay đổi đặc tính của xe) sẽ bị xử phạt hành chính theo các mức như sau:
- Đối với cá nhân: Phạt tiền từ 800.000 đến 2.000.000 đồng.
- Đối với tổ chức: Phạt tiền từ 1.600.000 đến 4.000.000 đồng.
Tự ý lắp đèn LED xe máy có bị giữ xe không?
Cho đến nay, chưa có điều luật nào quy định việc tịch thu phương tiện đối với trường hợp tự ý lắp đèn LED cho xe máy. Nếu gặp người điều khiển xe vi phạm, cơ quan chức năng chỉ áp dụng hình thức phạt tiền theo đúng Nghị định 100.
Cơ quan chức năng không tịch thu xe mà chỉ phạt tiền
Chỉ được phép lắp đèn LED xe máy trong trường hợp nào?
Việc thay đổi bộ phận chiếu sáng cho xe máy chỉ được công nhận là không vi phạm pháp luật đối với các trường hợp cụ thể như:
- Đèn pha xe máy đã bị hỏng, suy giảm chất lượng, đèn bị mờ hoặc giảm khả năng chiếu sáng.
- Đèn pha xe máy không đủ tiêu chuẩn khi tham gia giao thông, có khả năng gây mất an toàn.
Tuy nhiên, việc lắp thêm đèn trợ sáng xe máy trong các trường hợp này chỉ hợp pháp khi có điều kiện. Bắt buộc phải tuân thủ các điều luật nhất định, tuyệt đối không làm thay đổi đặc tính của xe, tuân theo đúng thiết kế nguyên bản của nhà sản xuất và đèn phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn chất lượng.
Nói chung, nếu đèn pha xe máy của bạn bị hỏng hoặc suy giảm chất lượng, bạn nên đem xe đến các trung tâm bảo hành uy tín để được hỗ trợ sửa hoặc thay mới với đúng loại đèn như nguyên bản. Hạn chế việc tự mua đèn LED về thay cho xe máy, dẫn đến sai thiết kế, sai cấu trúc, sai quy định về chiếu sáng, gây ra nguy hiểm cho những người cùng tham gia giao thông khác.
Chỉ thay đèn LED mới khi đèn pha cũ của xe đã hỏng hoặc giảm chất lượng
Quy định về đèn LED xe máy như thế nào?
Đèn LED xe máy, đèn chiếu sáng trên xe mô tô và xe gắn máy đạt tiêu chuẩn được quy định tại TCVN 8586:2010 và TCVN 8587:2010, đảm bảo các tiêu chí:
- Hướng của luồng ánh sáng phải đúng theo hướng của xe máy.
- Hướng ánh sáng chính phải hướng xuống dưới.
- Màu ánh sáng của đèn LED phải là màu trắng hoặc màu vàng nhạt.
Giả sử như bạn thay đèn Halogen trên xe thành đèn LED trắng hoặc vàng thì vẫn tuân thủ đúng tiêu chuẩn đề ra. Nhưng nếu bạn thay đèn pha không đúng tiêu chuẩn cho xe máy, lắp đèn LED xanh, đỏ, tím,... thì chắc chắn sẽ bị cảnh sát giao thông xử phạt.
Ngoài ra, khi lắp đèn LED xe máy, không nên chọn loại đèn có cường độ quá mạnh, hướng sáng quá cao, vì có thể khiến người đi ngược chiều bị chói mắt (đặc biệt vào buổi tối), có thể gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Đèn LED lắp mới cho xe phải đảm bảo đúng Tiêu chuẩn Việt Nam
Như vậy, việc tự ý lắp đèn LED xe máy được xem là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt hành chính từ 800.000 - 4.000.000 đồng tùy thuộc là cá nhân hay tổ chức. Chỉ khi đèn pha xe máy đã hỏng hoặc suy giảm chất lượng thì chủ phương tiện mới được phép thay đèn LED mới, nhưng phải tuân thủ các tiêu chuẩn được đề ra tại TCVN. Để tìm hiểu thêm nhiều kiến thức về vận hành xe máy khác, bạn đừng quên truy cập vào trang tin tức của website Dibao.com.vn thường xuyên nhé!